Tìm kiếm tin tức
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 26/04/2022

        Ngày 20 tháng 4 năm 2022, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 1585/BCĐ-YT về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

 

        Căn cứ Công văn số 1909/BYT-DP ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ, Sở Y tế (cơ quan thường trực của BCĐ PCD COVID-19 tỉnh) điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với F1, cụ thể như sau:

        I. MỘT SỐ ĐỊNH NGHĨA VỀ CA BỆNH COVID-19:

       1. Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ):là một trong số các trường hợp sau:

       a) Là người có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện triệu chứng:

        - Sốt và ho; hoặc

        - Có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, ghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở.

        b) Là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trừ trường hợp nêu tại điểm b,c của mục 2).

        c) Là trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARI), viêm phổi nặng nghi do vi rút (SVP) có chỉ định nhập viện.

       * Người có yếu tố dịch tễ: bao gồm người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1), người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.

        2. Ca bệnh xác định (F0): là một trong số các trường hợp sau:

       a) Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (Realtiem RT-PCR).

         b) Là người có triệu chứng lâm sàng (nêu tại điểm a, điểm c của mục 1) và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

         c) Là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

        3. Người tiếp xúc gần (F1):là một trong số các trường hợp sau:

        - Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

       - Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 01 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

       - Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 01 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

     - Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

        * Thời kỳ lây truyền của F0:

       - Đối với F0 có triệu chứng: được tính từ 2 ngày trước và 10 ngày sau khởi phát và thêm ít nhất 3 ngày sau khi hết triệu chứng (sốt và các triệu chứng đường hô hấp)

     - Đối với F0 không triệu chứng: được tính từ 2 ngày trước và 10 ngày sau khai lấy mẫu có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

     * Phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) sử dụng tại khu vực trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 tối thiểu bao gồm: khẩu trang y tế hoặc khẩu trang N95, bộ quần áo bảo hộ liền hoặc rời hoặc áo choàng chống dịch, mũ hoặc trùm đầu, găng tay y tế, bao giầy, tắm che mặt hoặc kính.

        II. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI CA BỆNH NGHI NGỜ, F0, F1:

        1. Đối với ca bệnh nghi ngờ và F0:

        Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm, cách ly, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc theo quy định tại Công văn số 727/BCĐ-YT ngày 23/02/2022 của BCĐ PCD COVID-19 tỉnh về việc hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới cho đến khi có thông báo mới.

        2. Đối với F1:

      Trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F0 đang trong thời kỳ lây truyền của F0, F1 phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp y tế sau:

     - Bảo điểm biện pháp phòng lây nhiễm: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.

   - Tự theo dõi sức khỏe (đối với trẻ em, học sinh thì cha mẹ/người giám hộ/giáo viên theo dõi sức khỏe cho trẻ em, học sinh), khi có triệu chứng của bệnh cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

    - Khi có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo quy định.

     Công văn này thay thế cho phần I, phần II.2 và phần II.3 của Công văn số 727/BCĐ-YT ngày 23/02/2022 của BCĐ PCD COVID-19 tỉnh về việc hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 58